Nguyễn Hữu Dật 2 lần “tính toán như thần”, đánh bại quân Trịnh ra sao?

Lịch Sử
Có một điều mà người đương thời ít ai ngờ rằng, Nguyễn Hữu Dật là người có tài xem thiên văn và chính biệt tài này đã khiến ông hai lần nổi danh trong thiên hạ thông qua việc cùng quân tướng nhà Nguyễn đánh bại quân Trịnh…

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603 và là đại công thần của chúa Nguyễn tại Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Ông là người có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn, đánh lui nhiều cuộc Nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong, được phong chức Chiêu Vũ hầu. Sau khi mất, ông được nhân dân ở Quảng Bình tôn vinh là Bồ Tát.

Trong hàng tướng lĩnh của các chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Dật là một trong những người có tài năng đa dạng và nổi bật nhất. Từ năm 1655 đến năm 1660, khi cuộc ác chiến lần thứ 5 giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh nổ ra, Nguyễn Hữu Dật là võ quan giữ chức Đốc chiến. Ông đã lặn lội khắp các chiến trường từ Nghệ An trở vào. Khi thì trực tiếp chỉ huy, khi thì đóng góp nhiều ý kiến rất xuất sắc cho bộ chỉ huy quân đội của Đàng Trong nên ông được chúa Nguyễn Phúc Tần nhiều lần ban thưởng rất hậu.

Nguyễn Hữu Dật 2 lần “tính toán như thần”, đánh bại quân Trịnh ra sao? - Ảnh 1.

Tranh vẽ Nguyễn Hữu Dật. Ảnh: Báo Bình Phước.

Có một điều mà người đương thời ít ai ngờ rằng Nguyễn Hữu Dật là người có tài xem thiên văn và chính biệt tài này đã khiến ông hai lần nổi danh trong thiên hạ. Sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Mùa Thu, tháng 9 năm Đinh Dậu -1657, Nguyễn Hữu Dật đánh phá được lũy Đồng Hôn (thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Lúc bấy giờ, Trịnh Căn sai tướng Thắng Nham đóng quân ở lũy Đồng Hôn. Nơi ấy, đất ẩm thấp, mùa thu thường có lụt lội, vì thế mà chúng sợ quân của chúa Nguyễn đánh úp, nên quân Trịnh bàn nhau dời đồn đến ở phía dưới Núi Đất. Thám tử của quân Nguyễn biết được và báo cho Nguyễn Hữu Dật. Sau đó, Nguyễn Hữu Dật nói với Nguyễn Hữu Tiến rằng:

– Tôi đã suy tính kỹ. Ngày 25 này là ngày Quý Hợi, ngày sao Chẩn chiếu, tất sẽ có mưa to gió lớn. Đã thế, lại có vệt khí đen chạy băng qua khu vực sao Bắc Đẩu và mây trắng che kín cung Chấn, như vậy thì ở phía Tây Bắc nhất định sẽ có lụt lội. Ta nếu biết phân đó mà đánh đồn của Thắng Nham thì sẽ thắng.

Quả đúng ngày 25 tháng 9 có mưa to gió lớn, nước sông đầy tràn. Nguyễn Hữu Dật đưa quân đánh thẳng vào lũy Đồng Hôn và nhờ nước lụt mà thắng lớn. Thắng Nham lên Núi Đất chạy trốn. Quân của chúa Nguyễn thu được rất nhiều khí giới. Nguyễn Hữu Tiến cả mừng, nói với Nguyễn Hữu Dật rằng: Ông tính toán cứ như thần.

Nguyễn Hữu Dật đáp: Trên nhờ uy linh của chúa Thượng, dưới thì nhờ có sức mạnh của chư tướng, chứ Nguyễn Hữu Dật này thì tài cán gì.

Phạm Phượng đến chỗ đóng quân của Nguyễn Hữu Tiến và nói: Năm ngoái, tướng Trịnh là Thắng Nham giữ lũy Đồng Hôn, bị Nguyễn Hữu Dật đánh thua nên Trịnh Căn sai tướng giữ chức Tham đốc là Vân Khả đến lãnh quân thay giữ. Vân Khả là kẻ tham lam bạo ngược, xin mau định kế để đánh.

Nghe xong, Nguyễn Hữu Tiến sai Phạm Phượng đến nói với Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Dật mừng mà nói rằng: Ta vừa xem thiên văn, thấy mây đen che khuất sao Khôi. Đến ngày 11 tháng này là ngày Mậu Thìn, ngày của lục long (ngày của sáu con rồng cùng làm việc nên mưa nhiều) cho nên sẽ có mưa lũ, nếu ta nhân nước lũ mà đánh thì tất thắng.

Nói rồi, ông hẹn với Nguyễn Hữu Tiến cùng hội quân. Đến ngày đó, quả có mưa to. Nguyễn Hữu Dật đem quân đến đánh lũy Đồng Hôn trước. Quân Trịnh sợ hãi tan vỡ, Vân Khả trốn về An Trường. Nguyễn Hữu Dật rút quân về. Trịnh Căn lại sai tướng là Miện đến giữ lũy Đồng Hôn.

Lời bàn:

Trong các cuộc chiến tranh chống quân Trịnh xâm lấn Đàng Trong, Nguyễn Hữu Dật nổi lên là một vị tướng cầm quân có tài thao lược, ông hiểu rõ binh pháp, linh hoạt đối phó với mọi thủ đoạn tác chiến của đối phương. Chính vì vậy mà phần lớn quân Nguyễn dưới sự chỉ huy của ông luôn giành được thế chủ động, buộc đối phương bị động đối phó và thua cuộc. Với những công lao và đóng góp to lớn của mình trong lịch sử dân tộc, ông xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của những tướng lĩnh tài giỏi, bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn và các danh nhân đất nước. Có thể nói rằng, các chúa Nguyễn đã không lầm khi đặt Nguyễn Hữu Dật vào vị trí tiền tiêu, tiên phong trong cuộc chiến tại vùng đất Nam Bố chính.

Còn điều nữa mà hậu thế phải khâm phục và tôn kính bởi ông là một con người giàu bản lĩnh, không sống bằng hào quang của cha, cũng không hề tự mãn với tờ sắc phong tước vị cao sang mà chúa Nguyễn đã ban tặng. Mặc dù việc quân bận rộn đêm ngày không nghỉ, cái chết thì luôn cận kề, vậy mà ông vẫn không quên học hỏi. Tiếc rằng, một con người có nhiều tài năng, đức độ, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, cho nhân dân trên nhiều lĩnh vực lại có sự nghiệp làm tướng không thuận buồm xuôi gió. Bởi xung quanh ông có những người ganh đua, ghen ghét và số người này tuy không nhiều nhưng cũng mấy phen làm ông điêu đứng. Thế mới hay rằng, ở đâu, thời nào cũng có những kẻ tiểu nhân, nhỏ nhen và thâm độc.