Lịch sử Việt Nam chứng kiến những sự kiện, dấu mốc lịch sử đặc biệt trong quá trình hình thành và diễn tiến của mình. Những mô hình chính quyền của tầng lớp lãnh đạo cũng tạo ra những khác biệt, tương đồng nhất định so với thế giới đương thời. Đặc biệt, mô hình lưỡng đầu chế tồn tại xuyên suốt lịch sử Nhà Trần và được bắt đầu từ cuối triều Nhà Lý đã để lại những vị Thái thượng hoàng với dấu ấn đặc biệt trong Sử Việt. Hãy cùng YÊU SỬ VIỆT điểm qua những vị Thái thượng hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
1. Lý Cung Hoàng – Thái thượng hoàng đầu tiên của lịch sử Việt Nam
Nhà Trần nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với chế độ lưỡng đầu chế và luôn duy trì “một nước hai vua”, nhưng triều đại đầu tiên bắt đầu mô hình này lại là triều Nhà Lý và vị Thái thượng hoàng đầu tiên là Lý Cung Hoàng, hiệu Sùng Hiền Hầu nhưng không rõ họ tên thật, thân thế của ông. Chỉ biết, Sùng Hiền Hầu là cha của Lý Thần Tông, người kế vị Lý Nhân Tông. Đáng nói, Sùng Hiền Hầu chưa bao giờ lên ngôi hoàng đế Đại Việt, vì Lý Thần Tông được Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi nên ông đã được con mình tôn lên tước hiệu Thái thượng hoàng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Triều đại Lý Thần Tông không để lại nhiều dấu ấn nổi bật, ngoài việc Thần Tông hóa hổ được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư và được sư Nguyễn Minh Khuông cứu giúp. Nhìn chung, Thái thượng hoàng Lý Cung Hoàng giữ được vị trí của mình trong chính sử nhưng không tham gia triều chính nên cũng không để lại đóng góp nào đáng kể cho lịch sử Việt Nam.
2. Lê Ý Tông – Thái thượng hoàng cuối cùng của lịch sử Việt Nam
Trải qua một chiều dài lịch sử từ Nhà Lý, đến thời đại của Lê Ý Tông chế độ lưỡng đầu chế hoàn toàn chấm dứt ngoại trừ một vài lần không được thực hiện trước đây trong thời Nhà Lý, Nhà Mạc và Nhà Hậu Lê trước thế kỷ XVII. Cũng giống như khi vừa bắt đầu, lúc kết thúc của thể chế “lưỡng đầu chế” cũng im ắng, lẳng lặng chẳng để lại những dấu ấn trong triều đại mình cai trị. Hơn nữa, thời kỳ thượng hoàng Lê Ý Tông còn là thời kỳ “Vua Lê, Chúa Trịnh” – một thời kỳ mà các Hoàng đế Nhà Hậu Lê chỉ như những con rối trong tay các Chúa Trịnh…
Chỉ ở ngôi được 6 năm, Lê Ý Tông bị Chúa Trịnh Doanh ép nhường ngôi cho cháu là Duy Diêu, ông lên làm Thái thượng hoàng từ năm 1740 cho tới khi qua đời năm 1759, được 41 tuổi. Theo các nguồn sử liệu của sách Đại việt sử ký tục biên của các sử thần nhà Lê, Lịch triều hiến chương loại chí của nhà sử học Phan Huy Chú, Việt sử thông giám cương mục, Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép lại thì Làng Phù Lê hay còn gọi là làng Phù Nguyên huyện Thụy Nguyên, nay là xã Thiệu Nguyên là nơi an táng của Hoang Đế Lê Ý Tông. Lăng mộ của Thái thượng hoàng Lê Ý Tông được phát hiện năm 1977 và được tôn tạo, giữ gìn cho đến hôm nay.
3. Trần Nghệ Tông – Thái thượng hoàng độc nhất vô nhị của lịch sử Việt Nam
Trần Nghệ Tông tên thật là Trần Phủ, có thể xem ngài là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử Nhà Trần trong những năm tháng cuối cùng của triều đại hùng mạnh này. Khi Dương Nhật Lễ cướp ngôi Họ Trần, Cung Định vương Trần Phủ dẫn quân về Thăng Long, dưới sự phò tá của Lê Quý Ly đã giành lại ngôi báu cho Họ Trần. Vào ngày 15 tháng 11 năm 1370, Cung Định vương lên ngôi đại thống khi đã 50 tuổi, sử gọi là Trần Nghệ Tông. Nghệ Tông còn xưng làm Nghĩa Hoàng. Năm 1371, Nghệ Tông lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) làm Khu mật viện đại sứ. Noi gương đời trước của nhà Trần, thường giữ chế độ Hoàng đế và Thái thượng hoàng cùng trị nước, tháng 4 năm Tân Hợi (1371), Nghệ Tông lập Cung Tuyên vương làm Hoàng thái đệ, chính thức giữ ngôi vị Trữ quân.
Với việc giành lại ngôi vua cho Họ Trần, đáng lẽ Trần Nghệ Tông sẽ là một hoàng đế trung hưng, nhưng đáng tiếc ông lại quá tin tưởng người em họ ngoại của mình là Hồ Qúy Ly, đến nỗi thẳng tay bức tử cháu ruột của mình là Trần Phế Đế. Bỏ qua mọi lời can ngăn và ráng giữ chút hy vọng cuối cùng, Thương hoàng Nghệ Tông vẫn hết sức tin tưởng Hồ Qúy Ly sẽ trung thành với dòng họ Trần. Đến khi tuổi cao sức yếu, nhận ra được âm mưu tiếm ngôi của Qúy Ly thì đã muộn. Trần Nghệ Tông mất năm 1395, đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ.
4. Trần Thánh Tông – Thái thượng hoàng tài giỏi bậc nhất của lịch sử Việt Nam
Trần Thánh Tông tên thật là Trần Hoảng, ngài sinh năm 1240, mất năm 1290, lên ngôi hoàng đế năm 1258 cho đến năm 1278 thì nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông để lên làm Thái thượng hoàng. Trần Hoảng là đích trưởng tử của Trần Thái Tông, đã góp phần chỉ huy quân đội đẩy lùi cuộc xâm lược của người Mông Cổ năm 1258. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Trần Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện nền hành chính, giáo dục, kinh tế, bảo trợ Phật giáo, trọng dụng quan viên, tướng lĩnh có tài và duy trì sự hòa hợp, kỷ cương trong triều đình.
Về đối ngoại, Trần Thánh Tông phải đương đầu với tham vọng bành trướng của đế quốc Nguyên-Mông cường thịnh ở phương Bắc. Ông đã thực thi một chính sách ngoại giao mềm mỏng, cống nạp Nhà Nguyên 3 năm 1 lần, nhưng cự tuyệt mọi yêu sách của vua Nguyên đòi ông cống người, cống voi, đích thân sang chầu, gửi quân giúp tỉnh Vân Nam, nộp sổ sách dân số,… Ngoài ra ông tích cực chỉnh đốn quân đội, tổ chức tuần tra biên giới để đề phòng sự xâm lược của người Nguyên. Trước bối cảnh người Nguyên đã tiêu diệt Nam Tống và chuẩn bị chinh phạt Đại Việt, hai vua Trần ra sức đoàn kết lòng dân, kén tướng rèn quân và xây dựng quan hệ tích cực với Chiêm Thành ở phía Nam. Cùng Hoàng đế Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương, Thượng hoàng Thánh Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt kháng chiến đánh bại hai cuộc xâm lược của Nguyên-Mông năm 1285 và 1287.
Có thể nói, trong cuộc kháng chiến đầu tiên chống quân Nguyên – Mông xâm lược, Thái sư Trần Thủ Độ là linh hồn của chiến thắng vang dội đó thì đến hai cuộc chiến năm 1285 và 1287, cùng với Đức Thánh Trần, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông giữ vai trò, vị trí vô cùng to lớn cho chiến thắng cuối cùng và kết thúc giấc mộng xâm lược nước Nam của Nguyên – Mông. Trong số các vị Thái thượng hoàng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông là vị thượng hoàng có công lao đóng góp to lớn, bậc nhất cho sự tồn vong, vững mạnh của dân tộc.
5. Trần Nhân Tông – Vị Tổ Trúc Lâm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Khác với những Thái thượng hoàng khác trong lịch sử Việt Nam, thường chỉ đơn thuần gắn bó cuộc đời, sự nghiệp của mình vối triều chính, chiến trận, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông còn uyên thâm Phật pháp. Ngoài tài năng được thể hiện rõ nét trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285 và 1287, ngài còn là vị tổ lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Tháng 10 (âm lịch) năm 1299, Nhân Tông rời đến Yên Tử (Quảng Ninh), lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu đà hay Trúc Lâm Đại sĩ và Giác hoàng Điều ngự . Tại Yên Tử, Điều ngự đã mở tịnh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận được khá nhiều đệ tử. Vào thế kỷ XI – XIII, Phật giáo Đại Việt tồn tại chủ yếu dựa trên 3 dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Điều ngự đã hợp nhất các tông phái này vào dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Đây được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).
Trần Nhân Tông là vị hoàng đế tài ba xuất chúng của Nhà Trần. Ngài đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt vượt qua hai cuộc kháng chiến chống đội quân xâm lược hung hãn nhất thế giới lúc bấy giờ và giữ vững thành quả hòa bình về sau. Khi trở thành Thái thượng hoàng, ngài có tầm nhìn thống nhất quốc gia, hợp nhất các giáo phái Phật giáo lúc bấy giờ thành Thiền phái Trúc Lâm. Đồng thời, ngài còn sang Chiêm Thành thuyết phúc, gầy dựng được mối giao hảo với người Chiêm Thành. Rồi từ cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa và Chế Mân mà Đại Việt nhận được hai vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bây giờ. Có thể nói, về tài năng và đức độ, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xứng đáng là vị Hoàng đế và Thượng hoàng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.