Lịch sử dân tộc Việt Nam còn ghi danh một ngôi thành cổ với những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo đánh quân xâm lược phương Bắc, đó là thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang).
Đây là ngôi thành có vị trí chiến lược quan trọng, cách sông Thương 3km, nơi án ngữ toàn vùng đông bắc đất nước và che chở thành Đông Quan (Hà Nội) trong thời kỳ nước ta bị nhà Minh đô hộ vào thế kỷ thứ XV.
Thành Xương Giang do nhà Minh lập ra năm 1420. Toàn bộ khu vực thành rộng 26ha, chiều cao thành từ 4 – 5 mét, với các cửa Bắc, Nam, Đông, Tây thành. Chân thành xây bằng đá hộc, gạch vồ rộng 16 mét. Tường thành đắp đất dày. Bề mặt thành rộng 6- 7 mét.
Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện binh oanh liệt ngày 3/11/1427, đập tan hơn 7 vạn viện binh của quân Minh.
(Rước tượng tại Lễ hội Xương Giang vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm)
Dấu tích phế thành
Là nơi ghi dấu chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt, nhưng những gì còn lại đến ngày nay về ngôi thành cổ Xương Giang chỉ là trên sử sách, những hào sâu và hiện vật khảo cổ học vừa được khai quật. Gần 600 năm đã trôi qua, toàn bộ kiến trúc của thành Xương Giang đã bị hoang phế và đổ nát.
Thạc sĩ Trịnh Hoàng Hiệp ở Viện Khảo cổ học Việt Nam – người trực tiếp nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại thành Xương Giang cho biết: “Qua các đợt điều tra, thám sát khu di tích thành Xương Giang từ đầu năm 2008 đến nay, chúng tôi đã tổ chức hai đợt khai quật và phát hiện hàng nghìn hiện vật quan trọng để minh chứng về những dấu tích vật chất đã từng tồn tại ở đây.
(Phát lộ hiện vật. Di tích Xương Giang sẽ được đầu tư tôn tạo lại.)
Theo đó, tại khu vực Giếng Phủ, Đồi Ngô (trung tâm thành) và khai quật 3 hố, phát hiện được vật liệu xây dựng như gạch lát nền, gạch ốp trang trí với đường nét tinh xảo, phong phú cùng với ngói âm có kích thước 23,8 x 21,5cm. Những hiện vật này được nung với nhiệt độ cao và nặng. Điều đó đã khẳng định xung quanh khu vực này là những công trình kiến trúc dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh.
Tại một số khu vực khác phát hiện các lớp ngói ken dày, các dải ngói và các hàng trụ móng cùng lớp kè, gia cố ở phần móng. Phát hiện 3 di cốt người cổ và hiện vật là gốm men Trung Quốc và Việt Nam có niên đại từ thế kỷ XIV-XV. Ngoài ra còn phát hiện vết tích gạo cháy có độ sâu từ 10-15cm và gần 1.600 hiện vật gồm các loại gạch ngói, mảnh vỡ các loại, hiện vật đồ sành gốm men Việt Nam có niên đại thế kỷ XV và một số vật liệu gia cố kiến trúc như đinh sắt…
(Máng bằng đất nung khai quật tại thành Xương Giang)
Qua vết gạo cháy ken dày mảnh gạch ngói có thể xác định được công trình kiến trúc này là kho lương của quân đội nhà Minh. Ngoài ra còn tìm được một số hiện vật là xương động vật. Đặc biệt còn phát hiện những viên đạn đá… Thời gian tới, Viện Khảo cổ sẽ cùng với Bảo tàng Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu, điều tra, thám sát tổng thể thành Xương Giang, sau đó lựa chọn địa điểm quan trọng để tiến hành khai quật và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá khu di tích này”.
Thuận Thiên kiếm ở thành Xương Giang
Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận gửi tỉnh Bắc Giang. Theo đó đồng ý với phương án khai quật khảo cổ học và bảo tồn hố khảo cổ; tôn tạo giếng cổ; khe nước cổ; một đoạn thành cổ và hào nước; xây dựng khu trung tâm lễ hội (Biểu tượng chiến thắng Xương Giang, sân lễ hội), nhà biểu diễn và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, cổng chính, khu trò chơi dân gian, khu trưng bày hiện vật ngoài trời, biển giới thiệu di tích, tường rào bảo vệ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, toàn bộ chiến thắng xưa được mô tả bằng hình tượng sa bàn, mô tả trận tổng công kích thành vào đêm 28/9/1427.
(Công trình “Thuận Thiên Kiếm” – Ảnh đồ họa)
Bích Lan
(Theo Doanh nhân Sài Gòn online)