Trần Bình Trọng để lại tấm gương sáng mãi muôn đời với câu nói đi vào sử sách, thi ca: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Bình Trọng (1259-1285) là dòng dõi của vua Lê Đại Hành. Ông sinh ra ở xã Bảo Thái (Thanh Liêm, Hà Nam ngày nay), vợ là Thụy Bảo Công chúa, con vua Trần Thái Tông. Sau này, con gái của ông là Chiêu Từ hoàng thái hậu đã sinh ra vua Trần Minh Tông.
Một số tài liệu cho rằng ông là con trai của Lê Phụ Trần (chồng của Lý Chiêu Hoàng), nhờ có công cứu giá vua Trần Thái Tông nên được vua ban quốc tín, con cháu được mang họ Trần.
Quyết chiến chặn giặc mạnh
Sau khi chiếm Trung Quốc vào năm 1271 để lập ra nhà Nguyên, mục tiêu tiếp theo của Hốt Tất Liệt (hoàng đế nhà Nguyên) là mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam. Muốn đạt được mục đích đó, quân Nguyên buộc phải xâm lược bằng được nước ta.
Đó chính là một trong những lý do thôi thúc đội quân xâm lược điên cuồng này chuẩn bị chiến tranh bằng mọi giá, dù dư âm thất bại năm 1258 vẫn còn khiến nhiều bộ tướng của chúng khiếp vía.
Tháng 1/1285, 50 vạn quân Nguyên do Trấn Nam Vương Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt), cầm đầu chia quân làm hai cánh thủy bộ tiến vào xâm lược nước ta.
Là đạo quân rất thiện chiến, nhiều kinh nghiệm qua các cuộc chiến tranh xâm lược, giai đoạn đầu, quân Nguyên nhanh chóng chiếm ưu thế trên chiến trường.
Sau khi gặp một số tổn thất trong vài trận đánh mở màn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Chí Linh, Hải Dương).
Khi bị giặc bắt, Trần Bình Trọng đã thể hiện tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục kẻ thù bằng câu nói đi vào lịch sử dân tộc.
Sau đó, quân ta lui về Thăng Long, nhưng cũng không cản được sức tấn công ồ ạt của giặc Nguyên. Hưng Đạo Vương lại quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (Nam Định).
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Trần Bình Trọng được giao nhiệm vụ rất nặng nề: Phải giữ vùng Đà Mạc – Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.