Chuyện về “ngũ hổ tướng” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Lịch Sử
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, “ngũ hổ tướng” của nhà Thục gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Ít người biết, dưới trước quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo cũng có năm mãnh tướng là Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô.

Tượng đài Trần Hưng Đạo và hai mãnh tướng Yết Kiêu, Dã Tượng ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Tượng đài Trần Hưng Đạo và hai mãnh tướng Yết Kiêu, Dã Tượng ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Tướng tài phải có lính giỏi 

Trong Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn viết, trong phép chiến thắng của người cầm quân có 5 việc cốt yếu: Sắp sẵn bào giáp, binh khí là thứ nhất; lo kiếm người, ngựa, xe có đủ là thứ hai; chữa trữ cho nhiều lương thảo là thứ ba; huấn luyện binh sĩ cho tốt là thứ tư và chọn tượng giỏi là thứ năm. “Năm việc trên đã chuẩn bị xong rồi mới có quân đội mạnh mẽ được”.

Đoạn khác, ông viết: “Vả lại nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng làm gốc, sĩ tốt lấy tướng làm chủ. Bởi thế muốn có binh mạnh để đánh thắng hoặc giữ vững thì trước hết phải biết dùng tướng, tìm được người phò tá rồi sau mới có thể thị uy giữa thiên hạ, làm cho mọi rợ bốn phương phải tới hàng phục, đó là gốc lớn của kẻ được nước”.

Đức tính của người tướng giỏi là: cứng rắn mà không bị bẻ gãy, mềm mỏng mà không bị vày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mạnh để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tước đoạt. Cứng mãi, mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm, biết nhu, biết cương mới là lẽ thường của đạo.

Nghệ thuật quân sự của cha ông - Kỳ 5: Chuyện về “ngũ hổ tướng” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ảnh 1

Tướng Yết Kiêu có tài bơi lặn như một thủy thần. 

Tướng có 5 tài ấy là dũng, trí, nhân, tín, trung. Dũng thì không để cho ai xúc phạm mình; trí thì không rối loạn; nhân thì thương dân; tín thì không lừa dối; trung thì không hai lòng. Muốn biết một viên tướng tài giỏi hay ngu tối, ta phải thử thách họ để coi họ có động lòng không?

Thử bằng cách nào, tác giả của Binh thư yếu lược chỉ dẫn: Thứ nhất là hỏi họ, buộc họ phải trả lời để dò xem kiến thức tường tận của họ; thứ hai là lấy lời gạn hỏi họ để xem tài ứng biến của họ; thứ ba là dùng gián điệp dò xét để xem lòng thành thực của họ; thứ tư là buộc họ giảng giải rõ ràng để xem đức độ của họ.

Thứ năm là dùng tiền của mà sai khiến họ để xem tính liêm khiết của họ; thứ sáu là dùng sắc đẹp mà thử họ để xem lòng trinh chính của họ; thứ bẩy là đem việc khó mà bảo họ để xem lòng dũng cảm của họ; thứ tám là cho họ uống rượu say để xem thái độ của họ.

Về đức tính của “đạo làm tướng”: Binh ở chốn chiến trường, đức vào nơi chết chóc, quyết chết thì được sống, cầu sống thì phải chết. Người tướng giỏi giống như đứng trên thuyền thủng đáy, nằm dưới nhà đang cháy, hoàn cảnh ấy khiến cho kẻ cơ trí cũng không kịp mưu tính được gì, kẻ dũng cảm cũng không kịp nổi giận, như thế mới có thể chống cự với quân địch…”.

Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ sáu trụ cánh

Trong số những tướng tài dưới trường Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đầu tiên phải kể đến Yết Kiêu. Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông. Theo đó, Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm.

Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi cha bệnh tật. Tương truyền, ông nhà nghèo, hằng ngày ông phải đi mò cua bắt ốc, bắt cá đem bán lấy tiền đong gạo nuôi thân. Ông có sức khỏe và dũng cảm lạ thường. Một hôm thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, ông dùng đòn gánh phang, cả hai con trâu chạy biến xuống nước.

Nghệ thuật quân sự của cha ông - Kỳ 5: Chuyện về “ngũ hổ tướng” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ảnh 2

Tướng Nguyễn Địa Lô với tài cung tên siêu phàm. 

Ông lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất và thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước. Yết Kiêu cùng với Dã Tượng là hai gia nô trung thành của Hưng Đạo Vương. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam), Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Vương. Khi quân Việt thua chạy, thủy quân bị tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền.

Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói: Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi. Ý Trần Hưng Đạo muốn nói: người tướng tài giỏi, nổi tiếng phần lớn cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức làm việc, phò tá, nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn.

Bấy giờ, giặc Nguyên kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh chiếm Đại Việt. Yết Kiêu không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền. Thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào, chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Sau giặc chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông: Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?

Ông đáp: Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt. Bọn giặc hí hửng vì tưởng bở, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý và không nhìn thấy, ông nhảy tùm xuống biển, lặn trốn về doanh trại quân ta, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc cứu nước. Quân giặc đành trơ mắt nhìn nhau căm tức.

Ngoài Yết Kiêu, 4 tướng tài khác của Trần Hưng Đạo gồm: Dã Tượng là người có tài thuần phục và huấn luyện voi chiến. Ông là người đã chỉ huy lực lượng tượng binh Nhà Trần giao chiến với kỵ binh quân Nguyên ở trận Vạn Kiếp. Cao Mang tên đầy đủ là Lư Cao Mang. Theo ngọc phả tại đình Đồng Mai, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thì Cao Mang sinh ngày 15/2/1248 chết ngày 12 tháng chạp năm 1328.

Tại thư viện tỉnh Nam Định còn nhiều tài liệu bằng chữ Hán ghi chép về thân thế sự nghiệp Lư Cao Mang, ở đình Đồng Mai còn lưu giữ bốn câu thơ do chúa Trịnh Doanh tặng khi về thăm Đồng Mai: “Vì dân vì nước gánh gian lao”. Nguyễn Địa Lô. Khác với Yết Kiêu và Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô có tên họ đầy đủ hơn. Địa Lô có tài bắn cung bách phát bách trúng, được mệnh danh là thần Tiễn đương thời. Năm 1285, khi đạo quân của Toa Đô vừa từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng.

Sự kiện này đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn. Toa Đô lập tức sai người dẫn Trần Kiện về Yên Kinh (Trung Quốc). Nhưng, khi bọn Trần Kiện vừa đến biên giới phía Bắc, các đội dân binh ở đây, dưới sự chỉ huy của một số thủ lĩnh như Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh đã đón đánh rất quyết liệt. Nguyễn Địa Lô cũng có mặt trong cuộc tập kích này và chính ông đã bắn chết Trần Kiện. Và một người khác, tương truyền là Đại Hành.

Gia Hà