Cách con dâu Hà Nội xưa chinh phục mẹ chồng khó tính: Tự tay may áo, làm mâm cơm Tết, trang hoàng nhà thờ họ

Xưa

Tự cổ chí kim, việc sống chung với mẹ chồng đã là nỗi trăn trở của bao nàng dâu. Để biết làm thế nào có thể chinh phục mẹ chồng, giúp gia đình thuận hòa, hạnh phúc, hãy nhìn cách “người phụ nữ khéo nhất Việt Nam” này.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo của Hà Nội xưa, cụ bà Nguyễn Thuý An sớm được học nhiều thứ, và bà không chỉ tinh thông chữ nghĩa, từ chữ Nho, chữ Quốc ngữ, chữ Tây mà còn nổi tiếng nhờ tài nữ công gia chánh.

Là con gái gốc Hà Nội, bà cưới ông Nguyễn Xiển – con trai một gia đình thuần nông xứ Nghệ. Về làm dâu xứ người, dù khác biệt văn hóa, lối sống, bà vẫn sống hòa hợp với người mẹ chồng quen làm lụng suốt ngày, áo vải quần nâu tự dệt, quanh năm ăn gạo đỏ, khoai sắn và uống nước chè xanh tự trồng.

Hồi mới về làm dâu, cô gái Hà thành thanh lịch, da trắng, tóc dài, công dung ngôn hạnh ấy đã được lòng nhiều người. Bà mẹ ông Xiển cũng khen con trai chọn được người nết na, nhưng liệu có giúp bà lo gia đạo được không thì phải có thử thách. Và cuộc thử thách này đã khiến cả họ có cách nhìn khác với cô con dâu Hà Nội.

Bà Nguyễn Thúy An năm 18 tuổi, trong dịp đi Chùa Hương

Tự tay may áo

Thử thách đầu tiên, mẹ chồng bà Xiển mua vải và giao cho con dâu nhiệm vụ là may một bộ áo mới cho bà. Thời ấy, quần áo thường được may bởi thợ ngoài hàng, và thợ may chủ yếu là đàn ông, nhất là tại những gia đình trung lưu, cho nên việc một cô gái thành thị có thể may vá là một điều hiếm thấy. Nhưng cô dâu mới tự tay đo cắt và may lấy, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chuẩn bị mâm cơm Tết đúng “chuẩn”

Thử thách thứ hai là chuẩn bị mâm cơm Tết cũng không làm khó được bà An. Bà khiến nhiều người bất ngờ vì tự gói bánh chưng, việc xưa nay là của đàn ông. Khi gói bánh, bà đặt mặt xanh lá ra ngoài, mặt trắng vào trong và gói bánh 4 lá thay vì 8 lá như truyền thống. Bà cũng không bao giờ dùng khuôn nhưng bánh vẫn chặt tay. Khi thấy nàng dâu trổ tài, một lão nông trong họ được mời đến gói cùng cũng phải trầm trồ.

Giáo sư Nguyễn Xiển và bà Nguyễn Thúy An

Ngày mồng 1 Tết, cô dâu các chi thứ mang mâm cỗ đến bày bàn thờ có đủ 4 bát giò, chả, mọc và nem. Còn mâm cỗ của cô con dâu Hà Nội lại đặc biệt hơn, có cả dưa món, các loại củ cải, đu đủ xếp hình hoa lá khiến ai cũng phải tấm tắc khen. Các bà mẹ thì rất thích ăn trầu têm cánh phượng, cau bóc vỏ trổ hoa theo phong cách Hà thành. Không chỉ thế, bà An còn có tài làm mứt và từng đạt giải nhiều cuộc thi làm mứt có quy mô lớn.

Tài nấu ăn của bà Xiển đã được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khen ngợi “chị Xiển là người nấu ăn giỏi nhất Việt Nam”, và Bác Hồ cất lời khuyên: “Thím nên viết một cuốn sách dạy nấu ăn để truyền cho đời sau”. Sau này, bà Thúy An đã viết cuốn sách “Món ăn thường thức” (NXB Phụ nữ – 1957) và cuốn “Làm bánh” (NXB Phụ nữ – 1961) cùng với nữ sĩ Vân Đài.

Bà An cùng chồng và 7 người con

Thêm vào đó, cô dâu mới còn được thử thách trong việc trang hoàng nhà thờ họ. Nhiệm vụ này thường được một ông chú phụ trách hằng năm. Nhưng khi được hỏi về cách bày biện câu đối, hoành phi…, chẳng ai ngờ nàng dâu khéo léo hiểu được hết ý nghĩa của những lời chúc tụng trên đó để bố trí theo đúng vị trí.

Tỉa hoa nở đúng sáng mùng Một Tết

Ngoài tài nấu ăn, bà Thúy An còn rất giỏi chơi hoa thủy tiên ngày Tết. Bà có tài tỉa và hãm hoa để nở đúng vào rạng sáng mồng Một Tết. Sự khéo léo, tỉ mỉ ấy cũng góp phần giúp bà “ghi điểm” tại nhà chồng.

Hồi đó, chơi hoa thuỷ tiên ngày Tết là sang nhất Hà thành. Người có tiền thì tỉa hoa, người ít tiền sẽ đi ngắm hoa. Giá một ‘lắp’ củ thuỷ tiên gồm 25 củ khoảng 4 đồng.

Bà An có tài tỉa thủy tiên để chúng nở đúng vào dịp Tết

Ông Lưu – con trai bà An còn nhớ lời mẹ dạy: “Củ thuỷ tiên đẹp là phải có nhiều tay. Qua rất nhiều công đoạn, mất khoảng gần 1 tháng, các cành hoa nhỏ trắng muốt mới nhô lên và xoè ra trong khi bộ rễ màu trắng toả hết xuống dưới, trông uốn lượn như nàng tiên cá”.

Một dịp Tết, cuộc thi hoa được tổ chức bên bờ Hồ Gươm, thu hút rất đông người xem, nhất là đám công chức, giới trung lưu và nhiều du khách ngoại quốc. Khi chiêm ngưỡng bình thuỷ tiên của bà Thuý An, tất cả đã phải thốt lên “hoa thế mới thật là hoa”.

Bà Thúy An – một trong những người phụ nữ khéo nhất Việt Nam thời ấy

Cứ nhìn cách bà Thúy An vượt qua hết thử thách của mẹ chồng, và chinh phục cả dòng họ nhà chồng, mới thấy sức mạnh của vẻ đẹp công dung ngôn hạnh của người phụ nữ, bất kể xưa nay.