Cuộc nội chiến 20 năm, Đinh Bộ Lĩnh diệt các sứ quân để xưng Vương

Lịch Sử

Vua Đinh Bộ Lĩnh diệt 12 sứ quân. Đất nước thống nhất, lòng người quy tụ, đúng lúc nhà Tống cũng thống nhất đất nước và âm mưu xâm lược. Nhờ non sông về một mối, kẻ thù lập tức bị đánh bại

Thời kỳ tự chủ và kỷ nguyên độc lập của dân tộc ta mở ra từ cuối triều Đường, nhân bên Tàu có loạn “thập quốc, ngũ đại” (mười nước, năm đời). Đây là cơ hội ngàn năm có một – theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, chỉ có thể nắm bắt được cơ hội nếu tình hình trong nước đã có đủ các điều kiện cần thiết. Đó là nhiều người Việt đã tự gây dựng được thế lực, đủ sức tranh giành chức Tiết Độ sứ.

Cuối thời Bắc Thuộc, nước ta vẫn có tên Tĩnh Hải Quân do triều Đường đặt. Tên gọi này có từ năm 866 kéo dài trên trăm năm, cho đến khi Đinh Tiên Hoàng đổi thành Đại Cồ Việt (968). Người đứng đầu Tĩnh Hải Quân là Tiết Độ sứ, đóng ở Đại La; dưới quyền ông này là 12 thứ sử đứng đầu các châu. Tất cả, đều do nhà Đường phong theo thực tế lãnh tụ nào dành được quyền lãnh đạo.

Bản chất thực tế bản chất Tiết Độ Sứ

Năm 722, trước loạn An-Sử, nhà Đường chia đất nước thành 15 “đạo”, trong đó đạo ở cực nam có tên Lĩnh Nam (gồm Quảng Đông và một phần Quảng Tây hiện nay), thủ phủ là thành Quảng Châu. Đứng đầu một đạo là Tiết Độ sứ, phụ trách quân sự và hành chính. Phía nam đạo Lĩnh Nam, còn một vùng đất được nhà Đường gọi là Tĩnh Hải Quân, coi như một đạo ở phiên trấn, cũng cử người sang làm Tiết Độ Sứ.

Khi nước ta giành được quyền làm chủ, lãnh tụ Khúc Thừa Dụ (905) vẫn giữ tên Tĩnh Hải Quân, vẫn tự nhận là “Tiết Độ Sứ” và mong mỏi lớn nhất là được vua Tàu công nhận bằng một sắc phong. Ý thức dân tộc bị kìm nén là hậu quả đô hộ 300 năm đằng đẵng của nhà Đường.

Tĩnh Hải Quân lúc rộng nhất gồm 12 châu, trong đó 4 châu phía bắc – nay nằm vĩnh viễn trong đất Trung Quốc; còn 8 châu phía nam (tới Hà Tĩnh) nay vẫn là đất nước ta.

Các mốc về ý thức dân tộc:

Ngô Quyền (939) không tự xưng là Tiết Độ Sứ, mà xưng Vương

Đinh Bộ Lĩnh (968) không xưng vương, mà xưng Đế, lấy tên nước là Đại Cồ Việt.

Tuy nhiên, khi nhà Tống cấp sắc phong, vẫn chỉ gọi Đinh Bộ Lĩnh là Vương; vẫn chỉ phong cho Đinh Liễn làm Tiết Độ Sứ, vẫn gọi nước ta là Tĩnh Hải Quân. Vua ta vẫn phải nhận cho đến tận đời Lý…

Hào trưởng – thủ lĩnh lãnh đạo

Những người có thế lực trong các châu được gọi là hào trưởng, có thể do uy tín mà được cử (kiêm) luôn cả chức thứ sử. Cũng có thể một thứ sử được cử tới, rồi do “cha truyền, con nối” nhiều đời mà tự gây thế lực để thành hào trưởng (Việt-hóa). Hào trưởng có điền địa riêng, có dân riêng, quân đội riêng và quyền tự quản lãnh thổ. Duy trì truyền thống cha truyền, con nối.

Vùng đất của hào trưởng nằm trong một châu, nhưng có khi gồm cả một châu, nhất là những châu ở xa trung ương (châu Ái của Dương Đình Nghệ, châu Phong của Kiều Công Tiễn)… Sau này, khi Ngô Quyền giành độc lập, ông vẫn dùng tên nước như cũ, vẫn  phong chức thứ sử cho những người có công; ví dụ, cho Đinh Công Trứ (sinh ra Đinh Bộ Linh) làm thứ sử Hoa Lư – thuộc châu Trường.

Những hào trưởng tham gia trận Bạch Đằng, hoặc đóng góp binh-lương – ngoài việc vẫn là hào trưởng – còn được phong thêm lãnh thổ, giao chức và tặng tước (cao nhất là tước “công”, dưới đó là tước “hầu”…).  Tước vương thời ấy chỉ dành cho dòng tộc nhà vua.

Tình trạng phân tán quyền lực thời xa xưa là đương nhiên ở mọi nước (nước ta, đến đời Lý, Trần vẫn chưa hết hẳn sự cát cứ ở miền thượng du, biên viễn). Đó là do trình độ tổ chức xã hội còn thấp, chính quyền trung ương (đóng ở thành Tống Bình, sau đối là Đại La) chưa đủ lực lượng để vươn bàn tay quản lý rộng khắp, mà chỉ đủ sức đòi hỏi các hào trưởng tuân phục, nộp đủ thuế, thóc, sản vật. Và phải góp đủ quân, lương – khi chính quyền trung ương cần chinh phạt những nơi dám cưỡng lệnh.

Cuối thời Bắc Thuộc, ở Tĩnh Hải Quân đã xuất hiện nhiều hào trưởng gốc Việt, hoặc từ Hán tộc bị Việt-hóa. Khi bên Tàu có loạn, chưa thể cử Tiết Độ Sứ sang ngay (Đại La bỏ trống), nhân đó một hào trưởng người bản xứ đã kịp chiếm lấy và xưng Tiết Độ Sứ. Rồi sau đó, dẫu các vị hào trưởng bản xứ giành đi, giật lại chức này, nhưng không để người Hán có cơ hội lấy lại. Lịch sử đã nói đầy đủ các sự kiện về thời tự chủ, với các nhân vật: họ Khúc, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền. Tất cả, đều là các hào trưởng người bản xứ. Nếu không thế, tình hình sẽ diễn biến theo hướng khác.

Vấn đề “loạn 12 sứ quân”

Rất nhiều tư liệu lịch sử, khá chi tiết, về Loạn 12 sứ quân và Thập nhị sứ quân. Nội dung những sự kiện lớn khá thống nhất, ví dụ, diễn biến, danh sách sứ quân, tự xưng là gì, hành trạng và sự nghiệp mỗi vị ra sao…

Đại cương, có thể, tóm tắt tình hình diễn biến như sau: Ngô Quyền trước khi mất, đã ký thác ấu vương cho Dương Tam Kha, nhưng nhưng tướng Dương Tam Kha lại đoạt ngôi, bị hào trưởng khắp nơi coi là không chính thống và nổi dậy chống lại.

Dù sau đó, Dương Tam Kha bị truất quyền, việc hai con của Ngô Vương (Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn) lên ngôi – tuy rất chính thống – nhưng “loạn” vẫn không dứt. Hai vua vẫn phải đích thân cầm quân đi dẹp vài nơi còn chống đối, trong đó sự chống đối sớm nhất, kéo dài nhất và mạnh nhất là do đức Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo.

Vua không đánh nổi. Khi hai vua lần lượt mất (do bệnh, do tử trận) “loạn” lại càng bùng phát, nhưng bị dẹp yên nhờ công lao của đức Đinh Bộ Lĩnh. Đất nước thống nhất, lòng người quy tụ, đúng lúc bên Tàu nhà Tống cũng thống nhất đất nước và âm mưu xâm lược. Quả nhiên, chúng đã xâm lược và lập tức bị đánh bại.

Những chi tiết nay có thể nhận định khác

Nhiều chi tiết thời nay có thể nhận định khác với những gì viết trong Sử như:

1) Sứ quân: danh hiệu của một nhà lãnh đạo khu vực

Một nhân vật Tam Quốc rất được tôn kính đã được gọi là “sứ quân” (“Lưu sứ quân”, tức Lưu Bị) . Khi gọi một ông tướng mà mình kính trọng, người ta cũng dùng “tướng quân”. Nhưng văn phong một số bài viết về giai đoạn “loạn 12 sứ quân” khiến người đọc có cảm giác sứ quân là kẻ gây loạn.

Thực tế, không ai (trong số 12 vị) tự xưng là sứ quân, mà là các nhà sử học hậu thế gọi như vậy. Nhưng đó là các thủ lĩnh có bản lĩnh, ý chí và khả năng lãnh đạo, chiến đấu quyết liệt, dũng cảm chịu chết, không đầu hàng. Đến nay, nhiều đền thờ các vị danh tướng vẫn nghi ngút khói hương phụng thờ.

2) Hào trưởng thời loạn, nhưng không phải sứ quân

Sử sách kê ra 12 sứ quân, hầu hết xuất thân từ hào trưởng hoặc tướng tá của triều Ngô (được cử trấn nhậm ở vùng đất nào đó…). Nhưng số hào trưởng và tướng tá thời đó nhiều gấp bội con số 12. Nhưng thế và lực đều yếu, cai quản nơi biên viễn (đất rộng, người thưa, nghèo nàn), chỉ dám nghe ngóng “ai mạnh thì theo”, cốt giữ lấy những gì đang có; do vậy lịch sử không ghi nhận lại.

3) Những sứ quân có ý chí giữ gìn cơ nghiệp

Họ chính thức có tên trong danh sách 12 sứ quân, nhưng không gây “loạn” binh đao. Về nhân cách, họ rất cao cả đối với người dân địa phương và khu vực kiểm soát. Minh chứng rõ ràng là các “sứ quân” đều được lập đền miếu thờ phugj

4) Sứ quân bảo vệ chính thống

Đó là các vị tướng được Ngô Quyền và Ngô Xương Văn cử trấn nhậm vùng xung yếu, nhất là quanh kinh đô Cổ Loa. Hành động của các vị này chủ yếu là chống mọi thế lực xâm phạm Cổ Loa và cố giữ yên nơi trấn nhậm. Có thể kể Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Ngô Nhật Khánh, Ngô Xương Xí. Khi ngôi chính thống bị đe dọa rơi vào tay ngoại tộc, họ tự thấy mình cấn hành động. Cũng có thể họ tự thấy mình xứng đáng với ngôi vua hơn và đứng ra tranh chấp. Điều này nếu xảy ra, chỉ gói trong phạm vi Cổ Loa, chỉ nhất thời, chứ không gây “loạn” triền miên cho cả một vùng rộng lớn.

Riêng Ngô Xương Xí, thái tử, đủ tư cách chính thống để làm vua, nhưng lại bị gọi là “sứ quân”. Ông này chẳng tự xưng gì, vì yếu thế, trơ trọi, chỉ lo giữ lấy thành Bình Kiều (mỗi cạnh vẻn vẹn 1800 mét), không có hành động nào gây “loạn”. Cái tên “Ngô sứ quân” gán cho ông là không ổn.

5) Những hào trưởng không dám tự xưng. Trên bản đồ, ta thấy vùng đất của 12 sứ quân chỉ rộng bằng 1/4 hoặc 1/5 cả nước; nhưng đó là cùng đồng bằng sông Hồng, trù phú, đông dân và có vị thế chiến lược. Ngoài vùng đó, các vùng khác hoàn toàn yên ắng, tuy cũng có hào trưởng (tất nhiên), nhưng không ai dám làm “sứ quân”.

Vị trí chiếm đóng (dọc sông Hồng) của 12 vị “sứ quân”

6) Tự xưng danh tước

Khi Ngô Quyền xưng Vương, các nơi đều phục. Một trong những việc đầu tiên, ông ban thường cho người có công (Dương Tam Kha, Lã Xử Bình, Ngô Nhật Khánh, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Phạm Chuyên…). Về vật chất, những hào trưởng có công có thể được mở rộng lãnh địa; các tướng được trấn nhậm những địa dư trọng yếu hoặc giàu có, hoặc làm quan ở triều đình… Về quyền lực, họ được phong chức (ví dụ, thứ sử, tham mưu). Về vinh dự, họ được phong tước “công” và “hầu”…

Trong danh sách 12 sứ quân, mỗi vị khi “nổi dậy” đều tự xưng tước vị. Tư liệu này cần nhận định lại. Ví dụ, có người xưng là “phòng át”. Đó là một chức không lớn (quân sự) có từ thời Ngô Quyền, sau này khi vua Lê Long Đĩnh công cán xứ Nghệ đã gọi một người giữ chức “phòng át sứ” tới, giao việc.

Đa số sứ quân đều tự xưng tước “công”. Rất có thể như sau: Đây là tước được Ngô Quyền ban tặng cho từ trước; họ có một cách chính đáng chứ không lạm xưng.

Có thể, một số chỉ ở tước “hầu”, nay tự xưng là “công”. Theo cách này, một số người vốn chỉ có tước “công” nay tự nâng lên “vương” – ngang vua. Có thể đây là những vị có ý đồ nhằm tới ngôi vua (Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Thủ Tiệp). Chỉ duy nhất Đinh Bộ Lĩnh chưa hề được phong tước gì, nay “một bước” xưng “vương”, nhưng sử sách không đưa ông vào danh sách sứ quân, mà đặt ông ở vị trí cao hơn cả với sứ mệnh dẹp loạn, thống nhất non sông.

Nguyên nhân gây “loạn”: nhiều nhận định

Thử điểm qua vài nhận định

Những nhận định càng “đại thể” càng dễ đúng. Có nhận định cho rằng loạn 12 sứ quân có mầm mống từ tình trạng cát cứ – nghĩa là từ rất xa xưa. Đã cát cứ trước sau sẽ có tranh chấp do ý đồ bành trướng và thôn tính của một số thủ lĩnh mạnh; trong khi các thủ lĩnh yếu chỉ mong giữ được cơ nghiệp.

Nhận định khác nhau do “thời buối khác nhau”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (1499) thì nguyên nhân đưa đến “loạn” là do Nam Tấn [Vương] mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ. Các nhà viết sử sau đó (buộc phải) thêm vào: Các sứ quân đánh lẫn nhau. Bởi vì, không “đánh lẫn nhau” làm sao có loạn để Đinh Bộ Lĩnh có cớ chinh phạt? Nhưng thực chất “loạn” ở đây là các sứ quân riêng lẻ hùng cứ một phương, không dưới sự lãnh đạo thống nhất tập quyền.

Xuất bản sau Đại Việt sử ký tới 500 năm, sách giáo khoa lớp 7 (2011) với văn phong rất hiện đại, nội dung rất lập trường (nhân dân làm nên lịch sử) nhận định rằng: Nhà Ngô sụp đổ, cả nước rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp, “được nhân dân ủng hộ” đã đánh tan các sứ quân khác… cấm dứt tình trạng cát cứ.

Nguyên nhân thật sự là do Đinh Bộ Lĩnh chí trùm thiên hạ, dấy binh thu phục sơn hà

Hai con Ngô Quyền, sau khi truất phế Dương Tam Kha (cách chức, giáng cấp từ “vương” xuống “công”) lên làm vua, tuy có những chống đối nhưng không lớn, dễ dẹp (ví dụ Chu Thái). Lo nhất của hai vua là sự chống đôi của Đinh Bộ Lĩnh. Nếu vậy, đây là vị sứ quân đúng nghĩa nhất, nổi dậy sớm nhất (khi 2 vua còn tại ngôi) và kéo dài nhất. Hai vua phải đích thân tiến đánh, nhưng không nổi.

Hai vua mất sớm là cơ hội để Đinh Bộ Lĩnh chinh phạt, tấn công khắp nơi. Các nơi khác chỉ lo tự giữ… và được gọi là sứ quân. Khi lên ngôi, vua Đinh vẫn phải “nấu vạc dầu ngoài sân”, “nuôi hổ báo trong chuồng” để xử những thế lực chống đối.

Về học thuật, nhiều người không thể bỏ qua nhận định về vua Đinh “chinh phạt” trong bài Thập nhị sứ quân. Quả thật, các nhân vật một khi thành công trong mưu đồ “tranh bá, đồ vương” đều được sử sách thời phong kiến nâng thành các vị thánh.

Công trạng

Dù có nhận định coi Đinh Bộ Lĩnh là tiến hành cuộc nội chiến, nhưng công trạng của vua Đinh vẫn rất lớn, nếu xuất phát từ quan điểm coi độc lập dân tộc là tối thượng. Nếu tình trạng cát cứ kéo dài, dù chưa xảy ra kình địch gay gắt thì sức mạnh quốc gia cũng suy giảm, có thể đưa đến mất nước khi bị ngoại xâm. Mà nguy cơ ngoại xâm là có thật, không xa. Lê Hoàn chiến thắng giặc Tống là nhờ những kết quả tích cực mà vua Đinh đã tạo ra và để lại.

Các sư quân và sự nghiệp

  1. Trần Lãm – Trần Minh Công, cát cứ tại Bố Hải Khẩu, Thái Bình. Trần Lãm (?-967) là người gốc Hoa, sau trở thành một sứ quân mạnh trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, có tiềm lực về kinh tế dựa vào lợi thế của nghề đánh cá biển. Lực lượng của Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu có sự liên kết, phối hợp với Đinh Bộ Lĩnh. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh hợp nhất lực lượng Bố Hải Khẩu về Hoa Lư để đánh dẹp các sứ quân khác.
  2. Ngô Xương Xí – Ngô Sứ quân, cát cứ tại Bình Kiều, Thanh HóaNgô Xương Xí vốn là dòng dõi nhà Ngô. Khi Ngô Xương Văn mất, các tướng Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Huy tranh nhau làm vua. Ngô Xương Xí phải rời bỏ Kinh đô về chiếm vùng núi Bình Kiều, Thanh Hóa, trở thành một sứ quân. Ngô Sứ quân chiếm đóng và xây dựng thành Bình Kiều. Sau ông cùng với Phạm Bạch Hổ và Ngô Nhật Khánh hàng phục nhà Đinh.

3 – Đỗ Cảnh Thạc- Đỗ Cảnh Công, cát cứ tại Đỗ Động Giang, Hà Nội.       Đỗ Cảnh Thạc (912-967) vốn người gốc Trung Hoa. Ông từng là tướng nhà Ngô rồi Dương Tam Kha. Tham gia tranh ngôi vua khi Ngô Xương Văn mất. Đỗ Cảnh Thạc lập hành cung có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh, gồm 72 trại sở, tu tạo thuyền chiến, tích trữ lương thảo, binh sĩ và trở thành một sứ quân rất mạnh ở vùng Đỗ Động Giang. Lực lượng của ông giao tranh hơn một năm với lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh rồi bị giết năm 967.

  1. Phạm Bạch Hổ, Phạm Phòng Át, cát cứ tại Đằng Châu, Hưng Yên. Phạm Bạch Hổ (910 – 972) vốn là tướng nhà Ngô, trấn giữ Hải Đông (vùng Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên ngày nay). Khi nhà Ngô mất, ông trở thành một sứ quân mạnh, được tôn xưng là Vua Mây. Sau một số lần giao tranh, ông hàng phục nhà Đinh. Hiện được nhiều nơi ở vùng châu thổ sông Hồng lập đền thờ.
  2. Kiều Công Hãn – Kiều Tam Chế, cát cứ tại Phong Châu Phú Thọ. Kiều Công Hãn (?-[[967) vốn là tướng nhà Ngô. Giữ chức Thứ sử Phong Châu, từng tham gia tranh ngôi vua khi Ngô Xương Văn mất và trở thành một trong 12 sứ quân chiếm giữ 3 châu Hào, Thái, Phong. Kiều Tam Chế cho xây thành Tam Giang rồi thành Phù Lập ở Phong Châu và mở rộng căn cứ chiếm đóng. Năm 967 khi giao chiến với quân Hoa Lư, trên đường tháo chạy bị một hào trưởng là Nguyễn Tấn chặn đón chém chết ở khu vực đền Gin, Nam Định ngày nay.
  3. Nguyễn Khoan, Nguyễn Thái Bình, Quảng Trí Quân, cát cứ tại Tam Đái, Vĩnh Phúc.Nguyễn Khoan (906 – 967) vốn là con của một vị tướng Trung Hoa, có công chiêu mộ và huấn luyện dân binh vùng chiếm đóng để xây dựng lực lượng và phát triển kinh tế. Nguyễn Khoan là sứ quân rất mạnh, được dân bản xứ tôn xưng là Quảng Trí Quân, cai trị triều đình nhỏ ở Tam Đái. Sau ông bị lực lượng Hoa Lư tấn công, chống không nổi và bị giết.
  4. Ngô Nhật Khánh – Ngô Lãm Công, An Vương, cát cứ tại Đường Lâm, Hà Nội. Ngô Nhật Khánh (?-979) vốn là dòng dõi hoàng thân nhà Ngô. Sau cũng trở thành sứ quân mạnh chiếm đóng ở quê hương Đường Lâm. Khi Ngô Xương Xí nối ngôi, Ngô Nhật Khánh cũng kéo quân từ Đường Lâm về Cổ Loa tranh giành, tự xưng An Vương. Giữ Đường Lâm, mở rộng địa bàn sang Cổ Loa và Đỗ Động Giang, Bố Hải Khẩu… Sau hàng phục nhà Đinh, trở thành phò mã. Khi vua Đinh mất, Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành đem quân tấn công Hoa Lư bị bão dìm chết năm 979 ở cửa Thần Phù.
  5. Nguyễn Siêu – Nguyễn Hữu Công, cát cứ tại Tây Phù Liệt, Hà Nội. Nguyễn Siêu (924-967) cùng với 2 sứ quân khác là con của một vị tướng Trung Hoa. Khi giàu mạnh, Nguyễn Siêu nuôi dưỡng môn đệ trên 8.000 người, binh mã có trên 10 vạn, không ngừng thu phục anh hào, thế lực ngày càng lớn. Nguyễn Siêu trở thành một sứ quân rất mạnh có thành hào vững chắc. Lực lượng của ông bị đánh bại sau lần tấn công thứ hai của Đinh Bộ Lĩnh.
  6. Kiều Thuận – Kiều Lệnh Công cát cứ tại Hồi Hồ, Phú Thọ. Kiều Thuận (?-?) thuộc lực lượng của Kiều Công Tiễn. Gia tộc họ Kiều của ông vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu. Ông xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hóa, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng miền núi. Kiều Thuận trở thành một sứ quân mạnh, có địa bàn rộng lớn và vững chắc ở xa các sứ quân khác. Sau ông bị lực lượng Hoa Lư tấn công, chống không nổi và bị giết.
  7. Nguyễn Thủ Tiệp – Nguyễn Lệnh Công – Vũ Ninh Vương, cát cứ tại Tiên Du Bắc Ninh. Nguyễn Thủ Tiệp (908-967) là con của một vị tướng Trung Hoa. Ông kế thừa sự nghiệp của cha với nhiều của cải. Ông trở thành một sứ quân mạnh. Sau mở rộng thực ấp, lấy cả châu Vũ Ninh. Ông tự xưng là Vũ Ninh vương. Khi bị quân Hoa Lư tấn công ông tháo chạy về Cần Hải (Nghệ An) giao tranh vài trận rồi chết ở đó.
  8. Lý Khuê – Lý Lãng Công, cát cứ tại Siêu Loại, Bắc Ninh. Lý Khuê (?-968) là một thổ hào địa phương, sau trở thành một sứ quân trong thời loạn 12 sứ quân. Ông vốn là một hào trưởng, chiếm đóng tại vùng Siêu Loại giáp ranh Bắc Ninh và Hưng Yên ngày nay. Năm 968 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan.
  9. Lã Đường – Lã Tá Công, cát cứ tạiTế Giang, Hưng Yên. Lã Đường vốn là một thổ hào địa phương ở vùng Tế Giang. Khi nhà Ngô suy yếu, Lã Đường tự chiêu mộ và xây dựng lực lượng cát cứ, dựa vào địa thế hiểm yếu bùn lầy, lau sậy để cố thủ. Sau ông bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh tấn công, chống không nổi và bị giết.

Các hào trưởng, danh tướng giúp đức vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nươc. Các thế lực khác mặc dù bản chất cũng là các sứ quân (là hào trưởng, có thực ấp và quân lính) nhưng do theo về với Đinh Bộ Lĩnh nên không được nhắc tới trong chính sử như sau:

  1. Nguyễn Tấn, cát cứ tại Trại Âu Hóa, Nam Định. An Lá xưa vốn là vùng đất hoang hóa, người dân ở trại Âu Hóa (nay là vùng Xích Thổ, Ninh Bình) theo Nguyễn Tấn về đây lập ấp nên cũng đặt tên là trại Âu Hóa. Năm 966, đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, Nguyễn Tấn đứng ra chiêu dân, luyện tập võ nghệ. Năm 967, sứ quân Kiều Công Hãn bại trận từ Phong Châu chạy qua vùng Âu Hóa thì bị Nguyễn Tấn đem quân ra đánh, chém vào cổ, bỏ chạy đến làng Din thì chết. Từ đây, Nguyễn Tấn hết lòng giúp sức cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
  2. Phạm Đông Nga, cát cứ tại Làng Mậu Hòa, Hoài Đức, Hà Nội. Ông có công tập hợp dân chúng khởi dựng làng Mậu Hòa do đó mà dân làng lập đền thờ ông tại đền Mậu Hòa nằm ven bờ đê sông Đáy, thuộc xã Minh Khai, huyện Hoài Đức – Hà Nội. Khi có loạn 12 sứ quân ông đã đem quân theo Đinh Bộ Lĩnh và trở thành tướng tài, được phong Tổng đốc đại vương.
  3. Phạm Hán, Phạm Phổ, cát cứ tại Mai Khu, Hà Nam. Hai anh em Phạm Hán và Phạm Phổ gặp lúc có loạn 12 sứ quân, kết giao hào kiệt bốn phương, chiêu mộ trai tráng thiết lập đồn lũy trên đất Mai Khu và đánh nhau với sứ quân Phạm Phòng Át và Ngô Nam vài mươi trận; hai ông giữ phần thắng, thanh thế vang dậy. Sau Phạm Hán được phong An định công, Phạm Phổ được phong Thống lĩnh công, được ân lộc nghìn hộ.
  4. Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, cát cứ tại Trà Hương, Hải Dương. Hai anh em ông thuộc thế lực hào trưởng họ Phạm ở Trà Hương. Phạm Hạp cùng với em trai Phạm Cự Lượng đã tập hợp hơn 2000 người, ngựa từ quê đến Hoa Lư phò Đinh Bộ Lĩnh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Theo thần tích đình Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định thì Phạm Hạp chính là người đánh bại và chém chết sứ quân Nguyễn Khoan ở Tam Đái. Sau ông làm quan nhà Đinh. Khi Vua Đinh mất, lo sợ Lê Hoàn cướp ngôi Vua, ông cùng các quan đại thần nổi dậy chống cự và bị Lê Hoàn giết. Hai anh em ông được liệt vào danh sách “Giao châu thất hùng”, tức 7 anh hùng Giao Châu thời bấy giờ.

5.Nguyễn Phúc Thời, cát cứ tại Trại Khả Khu, Thái Bình.       Gặp thời 12 sứ quân, Nguyễn Phúc đã chiêu binh, xây dựng lực lượng, sắm sửa vũ khí thành lập một căn cứ riêng ở Khả Khu, xung quanh làng đào hào đắp luỹ, lập lên bốn điếm canh giữ bốn góc làng. Từ đó Nguyễn Phúc có đủ điều kiện, uy quyền để cát cứ một vùng riêng, một giang san riêng giữa vùng đất Đằng Châu (tỉnh Thái Bình). Sau ông hàng phục Đinh Bộ Lĩnh, được phong làm quan.

  1. Lê Lương, cát cứ tại Ái Châu, Thanh Hóa.Lê Lương là một hào trưởng Ái Châu thời 12 sứ quân. Sau Đinh Tiên Hoàng lên ngôi phong hào trưởng Lê Lương, cai quản cả một vùng đất nằm trong phạm vi “đông đến Phân Dịch, nam đến Vũ Long, tây đến đỉnh núi MaLa, bắc đến lèn Kim Cốc” (gồm ba huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương – Thanh Hóa ngày nay) và cho con cháu Lê Lương đời đời được làm quan coi đất ấy.
  2. Lê Chương, Lê Du, cát cứ tạiLàng Kho, Nho Quan,Ninh Bình. Khi có loạn 12 sứ quân, Lê Chương và em trai Lê Du cùng tập hợp 2000 quân sĩ chia quân đóng 2 đồn. Đồn Thượng phía Đông do Lê Du chỉ huy, tự xưng là Thanh Y đại tướng quân. Đồn Hạ phía Tây do Lê Chương chỉ huy, tự xưng là Hiển Quang đại tướng quân. Sau 2 ông theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp các sứ quân và được giao cai quản vị trí cũ.
  3. Đinh Nga, cát cứ tại Kim Bảng, Hà Nam. Đinh Nga tập hợp trai tráng quanh vùng với những người tài giỏi như Đinh Thiết, Đinh Ngân, Phạm Đức, Trần Huy, Đinh Mỹ. Họ đã giúp ông huấn luyện binh sĩ, xây dựng căn cứ. Đinh Nga sau theo về ủng hộ Đinh Bộ Lĩnh, ông từng đem quân đến giải vây cho Đinh Bộ Lĩnh và thừa thắng tấn công tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc tại Đỗ Động Giang. Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua đã ban thưởng cho Đinh Nga chức Tướng quân Chỉ huy sứ và cử về trấn trị tại địa bàn cũ, được hưởng lộc ấp ở huyện Cổ Bảng.
  4. Đào Ngọc Sâm, cát cứ tại Gia Lộc, Hải Dương. Đào Ngọc Sâm sau khi rời quê hương đến vùng Hải Dương đã chiêu mộ dân binh được hơn 2000 người luyện tập binh pháp, sau có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp 2 sứ quân nhà Ngô và giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống.
  5. Cao Điền Công, Cao Đỗ Công, cát cứ tạiGia Lâm, Hà Nội. Cao Điền Công và em trai Cao Đỗ Công là những nhân vật lịch sử dưới thời 12 sứ quân. Đỗ Công và Điền Công đã lập doanh cư thực ấp tại Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. Sau 2 ông hàng phục nhà Đinh và tiếp tục đánh dẹp các sứ quân khác.
  6. Bạch Tượng, Bạch Địa, cát cứ tại Ứng Hòa, Hà Nội. Bạch Tượng cùng Bạch Địa là con trai gia đình tộc trưởng Bạch Lân ở Hoan Châu. Khi đất nước lâm vào cảnh 12 sứ quân cát cứ. Hai anh em Bạch Tượng và con bà dì là Đô Đài bèn đến phủ Ứng Thiên tụ tập dân chúng lập nên trang Nguyễn Xá sau ông theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp sứ quân ở Sơn Tây và trở thành tướng nhà Đinh, được Vua Đinh Tiên Hoàng tiếp tục ban thực ấp ở Động Phí ngày nay.
  7. Đặng Sỹ Nghị, Đặng Sỹ Phan, Đặng Sỹ Lẫmm cát cứ tại Kim Thành – Hải Dương. Đặng Sỹ Nghị là người văn võ tinh thông, khi Đinh Bộ Lĩnh tuyển quân đánh dẹp loạn 12 sứ quân, ông chiêu mộ binh lính, gia thần, sỹ tử được hơn 6.000 người dẫn đến ứng tuyển và được Đinh Bộ Lĩnh phong làm ” Đặng Sỹ thống lãnh đại tướng quân”; Khi lên ngôi Đinh Tiên Hoàng Đế phong ông làm “Lễ Bộ Tả thị lang” rồi trấn thủ Hoan Châu. Đền Phú Mỹ Xuân Hoa thuộc thôn Phú Nội, xã Bình Dân thờ Đặng Sỹ Nghị cùng với 2 thuộc tướng của ông là Đặng Sỹ Phan và Đặng Sỹ Lẫm.
  8. Võ Trung, cát cứ tại Kim Động – Hưng Yên. Võ Trung chiêu mộ được 10.000 quân tinh nhuệ ở Hưng Yên, sau ông đưa toàn bộ quân binh gia nhập lực lượng Hoa Lư giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Võ Trung đã giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân Lã Xử Bình, Ngô Xương Xí. Đinh Tiên Hoàng phong Võ Trung lần lượt giữ chức Tham nghị triều chính, Binh bộ thượng thư, đốc trấn châu Hoan, tổng trấn Hải Dương.

Nguyễn Ngọc Lanh

Nguồn; Nghiên cứu Lịch sử