Bên cạnh cuộc hôn nhân chính trị vì đại cục đất nước, Huyền Trân công chúa đã có nhiều đóng góp to lớn khác đối với dân tộc và đạo pháp.
Cuộc đời và giai thoại của Huyền Trân công chúa
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Bính Ngọ năm thứ 14 [1306] (Nguyên, Đại Đức năm thứ 10). Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương sang nước Chiêm Thành, đã trót hứa gả con gái cho.
Công chúa Huyền Trân (1287 – 1340) là con gái út của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Khâm Từ Bảo Thánh, cũng là em gái vua Trần Anh Tông.
Năm 1306, khi vừa tròn 19 tuổi, vâng lời vua cha, vì lợi ích của quốc gia, công chúa Huyền Trân đã lên đường kết hôn với vua Champa lúc đó là Chế Mân và được phong làm hoàng hậu Paramesvari. Từ cuộc hôn nhân này, vua Chiêm Thành đã dâng hai châu Ô, châu Lý cùng nhiều vàng bạc làm lễ vật dẫn cưới, sau được vua Trần Anh Tông đổi thành Châu Thuận và Châu Hóa.
Một năm sau đấy, vua Chế Mân đột ngột qua đời. Triều đình Champa sai người sang Đại Việt báo tin. Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang viếng và tìm cách đưa Huyền Trân Công chúa về Đại Việt.
Khi trở về, Huyền Trân công chúa xuất gia thọ Bồ Tát giới với thiền sư Bảo Phác tại núi Trâu Sơn (Bắc Ninh ngày nay) theo di nguyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông, với pháp danh Hương Tràng.
Cuối cùng, công chúa Huyền Trân về tu hành tại chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay) cho đến khi viên tịch.
Sau khi Ni sư Hương Tràng mất, nhân dân đã tôn bà làm Thần Mẫu, lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn. Ngoài ra, ở nhiều địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa. Nhà Nguyễn đã sắc phong cho bà là “Trai Tĩnh trung đẳng thần”.
Phát huy giá trị di tích lịch sử
Ngày 30/11 vừa qua, tại Nam Định, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nam Định, UBND huyện Vụ Bản đã tổ chức hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: Cuộc đời và giai thoại” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, lịch sử.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, tôn giáo, cùng đại diện chính quyền địa phương tỉnh Nam Định đã tập trung thảo luận xoay quanh ba chủ đề chính: ‘Cuộc đời Huyền Trân Công chúa: Lịch sử và những giai thoại’ nhằm tìm hiểu rõ hơn về Huyền Trân Công chúa ở Đại Việt và Champa; những nơi mang dấu ấn của bà và gắn kết những nơi này;
Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với dân tộc: Làm rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân Công chúa với Vua Chế Mân; Vị trí, vai trò của Công chúa Huyền Trân với Phật giáo: Quá trình xuất gia tu hành (thụ Bồ tát giới, pháp danh Hương Tràng, thời gian tu hành ở chùa Hổ Sơn…) và những cơ sở thờ tự thờ phụng Công chúa Huyền Trân hiện nay.
Phát biểu ở hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định, những đóng góp của Huyền Trân đối với dân tộc là vô cùng to lớn. Bà đã dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình vì mục tiêu cao cả: Tăng cường, củng cố mối quan hệ với Champa, củng cố hòa bình biên giới phía Nam của tổ quốc, nhằm ngăn ngừa xung đột, chiến tranh.
Cũng theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, những truyền thuyết dân gian, những câu chuyện dã sử, những nghi hoặc, suy luận, suy diễn, thêu dệt, phóng tác không có cơ sở của hậu thế đã “phủ một lớp sương mờ” lên cuộc đời Huyền Trân, che mờ những đóng góp to lớn của bà đối với đất nước, làm ảnh hưởng đến nhân cách cao đẹp của bà.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi – Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, chùa Nộn Sơn (Hổ Sơn) thờ Huyền Trân công chúa và Thụy Bảo công chúa. Trải qua hàng trăm năm, chùa vẫn lưu giữ nhiều di vật quý như 27 tượng thờ, đồ thờ cổ, sắc phong và hiện vật thời Lê. Năm 2006, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
ThS. Trần Anh Châu – Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ, khi trụ trì chùa Hổ Sơn, Huyền Trân công chúa đã chăm lo Phật sự, dạy dân trồng lúa, chữa bệnh, dạy chữ và góp phần lập 36 làng ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Bà cũng phân chia 28 mẫu ruộng cho dân, xây chùa và lập đền thờ Thiên Bồng nguyên soái. Sau khi qua đời, bà được tôn là Thần Mẫu, thờ tại đền bên cạnh chùa Hổ Sơn. Người dân hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao của bà.
Do vậy, thông qua tìm kiếm các nguồn tư liệu sử học, khảo cổ học, tư liệu Hán Nôm; thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cơ sở thờ tự liên quan đến công chúa Huyền Trân… Hội thảo sẽ góp phần làm rõ hơn về cuộc đời, những đóng góp của Huyền Trân công chúa – ni sư Hương Tràng cho đạo pháp, dân tộc.
Đồng thời, hội thảo này cho chúng ta nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về Huyền Trân công chúa – Ni sư Hương Tràng. Từ đó, đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến Huyền Trân công chúa. Tôn vinh một cách xứng đáng hơn đối với những đóng góp của Huyền Trân công chúa đối với dân tộc, với Phật giáo Việt Nam.
Phong Anh (Theo Giáo Dục và Thời Đại)