Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ là năm Mậu Thìn (1628), con trai trưởng của cụ Nguyễn Duy Thì là Nguyễn Duy Hiểu (1602 – 1639) cũng đỗ Hoàng giáp khi 27 tuổi. Cả hai cha con đều làm quan đồng triều phò giúp Vua Lê, Chúa Trịnh.
Lịch sử Việt Nam có 2 cha con cùng đỗ Hoàng giáp, đó là ai?
Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến nước ta, thật hiếm thấy có gia đình nào mà cả hai cha con đều đăng khoa, làm quan phục vụ đồng triều. Theo các nguồn sử liệu, Nguyễn Duy Thì (1572 – 1651) người phủ Tam Đới, nay là thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên).
Vào khoa thi năm Mậu Tuất (1598), ông thi đỗ Hoàng giáp khi mới 27 tuổi, từng giữ nhiều trọng trách như Công bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng thư bộ Lại, giữ việc lục bộ…
Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ là năm Mậu Thìn (1628), con trai trưởng của cụ là Nguyễn Duy Hiểu (1602 – 1639) cũng đỗ Hoàng giáp khi 27 tuổi (Nguyễn Duy Hiểu từng làm Chánh sứ sang phương Bắc nhưng bị Vua nhà Minh giết hại). Cả hai cha con đều làm quan đồng triều phò giúp Vua Lê, Chúa Trịnh.
Hơn 50 năm giữ trọng trách dưới 3 triều Vua, 2 đời chúa, uy danh Thái Tể Nguyễn Duy Thì lừng lẫy một giai đoạn nhiều biến động lịch sử đầu thời Lê Trung Hưng.
Nguyễn Duy Thì là nhà chính trị có tài, luôn lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của người dân. Tờ Khải năm 1612 do ông khởi thảo có tác dụng với đương thời và được lưu ghi trong sử sách. Ông còn là nhà nho có uy vọng, nhiều năm giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám – được coi là trường đại học đào tạo nhân tài Nho học cho các triều đại Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, Nguyễn Duy Thì là cháu họ của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường (1485 – 1525) bên Lý Hải. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường và Nguyễn Duy Thì là hàng ông chú – cháu hay ông bác – cháu thì chưa có nguồn sử liệu nào ghi chép rõ ràng.
Không chỉ là người phò tá tài đức, Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì còn để lại bài học về đạo làm quan thời bấy giờ và đến thời nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng như người con cả Nguyễn Duy Hiểu của ngài, bởi khí tiết thà chết chứ không làm nhục quốc thể.
Từ một Hoàng giáp, Nguyễn Duy Thì được dân gian yêu mến gọi là Quan Thượng Láng. Dù chức tước quyền hành chỉ đứng sau Chúa Trịnh, nhưng ông luôn đau đáu về thế nước, phận dân. Trong cuộc đời làm quan, ông còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác thuộc lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục như Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám.
Hiện, tại nhà thờ Nguyễn Duy Thì ở thị trấn Thanh Lãng còn giữ 4 Đạo sắc phong nhắc đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám của ông, trong đó đạo Sắc phong năm Vĩnh Tộ 2 (1620) có ghi: “Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phương Tuyền bá Nguyễn Duy Thì”.
Điều này chứng tỏ Nguyễn Duy Thì kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám vào trước tháng 10 năm Canh Thân (1620). Đặc biệt sắc phong cho ông kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám vào năm Dương Hòa 6 (1640) – khi đó ông vẫn kiêm giữ Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Điều này cũng cho thấy, ông được kiêm nhiệm Tế tửu từ năm 1640 và giữ chức này đến khi qua đời (1651). Như vậy, cuộc đời làm quan của Nguyễn Duy Thì gắn bó với Quốc Tử Giám và công việc giáo dục đào tạo nhân tài trong thời gian rất dài.
Với hơn 30 năm kiêm nhiệm chức Tư nghiệp rồi Tế tửu, Nguyễn Duy Thì cùng với các học quan thời đó đã góp phần củng cố nền quốc học, chế độ khoa cử của nước nhà.
Các nguồn sử liệu ghi nhận Nguyễn Duy Thì được trao trọng trách tổ chức 3 kỳ đại khoa vào các năm 1613, 1623 và 1637. Trong 3 kỳ thi đó, ông được giao trọng trách làm Giám thí hai lần và một lần giữ nhiệm vụ là Tri Cống cử.
Ba kỳ thi này hiện còn bia đề danh Tiến sĩ đặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được lưu danh trong sử sách, được nhân dân dựng đền thờ…
Cả hai cha con nhà khoa bảng Nguyễn Duy Thì đã để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu noi theo. Đến nay, những tư tưởng cải cách văn hóa, giáo dục của Nguyễn Duy Thì vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta.